Sự Tích Mẫu Đệ Tam Thủy Cung – Mẫu Thoải Tiên Công Chúa là ai..?
Trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam tứ phủ của người Việt, tam tòa Thánh Mẫu là ba vị nữ thần cai quản các miền khác nhau bao gồm miền trời (thượng thiên), miền rừng núi (thượng ngàn) và miền sông nước (thoải phủ). Thánh Mẫu Đệ Tam Thoải Phủ là vị thánh mẫu thứ ba, coi sóc miền đồng bằng sông nước. Trên ban thờ Tam tòa thánh Mẫu ta sẽ thấy Mẫu Thoải mặc xiêm y trắng, ngồi bên trái Thánh mẫu Đệ nhất Thượng Thiên, ở bên phải là Mẫu Thượng Ngàn. Chữ Thoải là đọc chệch từ chữ Thủy (nghĩa là nước). Xiêm y trắng cũng là tượng trưng cho nước, thế giới Mẫu cai quản.
Đền Dầm Thờ Ai Ở Đâu..?
Truyền thuyết gắn liền với Đền Dầm
Vào thời kỳ đầu Văn Lang đi mở nước ta trên thiên đình có nàng công chúa thứ 3 Hoàng Long đầu thai đày xuống thủy cung làm con gái vua Thủy Tề (Thủy Quốc Động Đình Long Vương) vì chẳng may làm vỡ chén ngọc. Sau gả cho Đô Đốc Côn Bằng đại tướng quân Kinh Xuyên. Thê thiếp của Kinh Xuyên là Thảo Mai, thấy nàng tài sắc bèn đem lòng ghen ghét giả bằng chứng tố cáo với Kinh Xuyên vu rằng nàng tư thông phản bội chồng. Kinh Xuyên giận dữ không nghe lười thanh minh của nàng đã đầy nàng 10 năm sống ở núi Ngọc Hồ Kim Quy, làm bạn với chim muông cầm thú, sinh sống bằng hoa trái qua ngày. May sao đã được chàng thư sinh Liễu Nghị giải oan. Để trả ơn, nàng đã hiện về báo mộng giúp Trần Hưng Đạo đánh thắng giặc ngoại xâm Nguyên Mông trên khúc sông là Đền Dầm hiện nay và được vua Trần Nhân Tông phong thần, có chiếu chỉ cho nhân dân đời đời thờ phụng.
Vua sai sứ giả về Xâm Miện vào miếu (nay là đền Dầm) bái tạ, và ban tặng sắc phong. Rồi lệnh cho nhân dân Xâm Miện đến kinh thành rước sắc về để dân làng thờ phụng. Đền có Cổ lầu là một tòa nhà cổ hai tầng, mái hình lục giác; có Nghinh môn với 6 trụ lực lưỡng, uy nghiêm.
Lịch sử hình thành đền Dầm
Đền Dầm là một ngôi đền thiêng được sắc phong từ thời nhà Trần sau truyền thuyết Công Chúa Thoải Tiên giúp Trần Hưng Đạo đánh giặc Nguyên Mông. Đây là một trong những ngôi đền có số lượng sắc Phong lớn nhất Việt Nam dưới các triều Trần, Lê, Nguyễn sắc phong đến 28 lần (Trần triều 7 đạo, Lê triều 13 đạo, Nguyễn triều 8 đạo) – một kỷ lục về sắc phong, khó có đền phủ nào được như vậy. Số lượng sắc phong này ngang với Phủ Tiên Hương – Nơi thờ của Mẫu Liễu Hạnh tại Phủ Dày (Nam Định).
Các triều vua kế tiếp đều có sắc phong cho đền. Sau này để tưởng nhớ công ơn của Hưng Đạo Vương đã trình tấu lên vua ban sắc phong cho đền Dầm, nhân dân địa phương đã xây dựng một ngôi đền bên cạnh để thờ Hưng Đạo Vương. Vì thế mà trong khuôn viên đền Trần bên cạnh đền chính, không chỉ có miếu cô, miếu cậu mà còn có cả đền thờ Trần Hưng Đạo. Đền Dầm được UBND thành phố Hà Nội xếp hạng Di tích lịch sử cấp thành phố năm 2001.
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, cung Mẫu đền Dầm đã bị hư hỏng, xuống cấp. Năm 2023 được sự cho phép tu bổ của UBND huyện Thường Tín, xã Ninh Sở đã tu bổ, tôn tạo lại cung Mẫu ngôi đền. Đến đã hoàn thành, khang trang và vẫn giữ được những nét văn hóa truyền thống.
Kiến Trúc không gian Đền Dầm
Đền Dầm có phong cách kiến trúc vẫn giữ được nét cổ kính, ít bị pha tạp lối kiến trúc hiện đại. Đứng trước cổng đền được xây dựng 6 trụ trên có câu đối cổ truyền lại với lối đi giữa lớn và 2 lối phụ 2 bên tả hữu. Cột chính được trang chí tứ phượng trên đỉnh trụ. 2 cột trung có đắp nghê đầu cột theo lối cổ rất tinh sảo. Trên mái thành giữa cột chính và cột trung có đắp đôi rồng chầu vào phía tâm cổng.
Vào bên trong sân đền Dầm có không gian thoáng đãng. Đền chia thành các khu khác nhau, ngoài gian chính là đền thờ Mẫu Đệ Tam còn có cung Trần triều thờ Hưng Đạo vương, động Sơn Trang, Lầu Cậu ngay trong sân đền. Nổi bật là Lầu Cô nằm ngay trên hồ, là một cổ lầu hai tầng, có mái hình lục giác, nghinh môn với 6 trụ bề thế, uy nghiêm. Ngoài ra bên trái chánh điện là gốc đa tương truyền đã hơn 900 năm tuổi với bộ rễ vô cùng to lớn.
Chánh điện là một nếp nhà dài, mái ngói vảy cá thô dày (vảy cá xưa mỏng thanh hơn), cột gỗ sơn nâu, năm bậc đá tam cấp và dưới sân có lư hương đá xanh lên chánh điện láng xi măng. Trong Đền các hương án, bàn thờ đều chạm trổ rất công phu và đều sơn son thếp vàng.
Lễ Hội Đền Dầm
Lễ hội tại đền Dầm diễn ra vào đầu năm âm lịch từ ngày 1 đến 10 tháng 2 âm lịch hàng năm. 3 ngày lễ chính là mồng 5,6,7 tháng 2 âm lịch hàng năm. Phần hộ Đền Dầm có nhiều nghi lễ, trò chơi dân gian truyền thống như rước nước, múa rồng, múa sư tử, kéo chữ, cờ người, hát quan họ, chọi gà.
Hướng dẫn kinh nghiệm đi du lịch đến Đền Dầm, xã Ninh Sở, huyện Thường Tín, Hà Nội
Chúng tôi xin được cung cấp một số thông tin về lộ trình di chuyển từ trung tâm Hà Nội tới đền Dầm để quý khách tham khảo.
Đền Dầm cách nội thành Hà Nội khoảng 20km. Vì vậy, quý khách đi từ trung tâm Hà Nội sẽ có nhiều sự lựa chọn để di chuyển như:
- Xe máy: Thời gian di chuyển dự kiến là 30’ với lộ trình tối ưu nhất là: đường Giải Phóng – cầu Vượt ngã tư Vọng – rẽ trái vào QL1A – rẽ phải vào đường Trần Thủ Độ – tại vòng xuyến đi theo lỗi ra thứ 3 vào ngõ 15 Ngọc Hồi – rẽ trái vào 02/Cầu Chui – đê Hữu Hồng – đền Dầm
- Ô tô: Thời gian di chuyển dự kiến 30’ với lộ trình tối ưu nhất là: Giải Phóng – cầu Vượt ngã tư Vọng – Nguyễn Bồ – rẽ phải vào đường Nguyễn Bặc băng qua cầu Trần Thủ Độ – rẽ trái vào 02/Tứ Hiệp – đê Hữu Hồng – đền Dầm.
Văn khấn Mẫu Thoải Đệ Tam Thủy Tiên
Nam mô a di đà phật !
Nam mô a di đà phật !
Nam mô a di đà phật !
Con thành tâm kính lạy:
- Đức Ngọc Hoàng Huyền Thượng đế
- Đức Đệ nhất thiên tiên Quỳnh Hoa Liễu Hạnh công chúa,
- Đức Đệ nhị thượng thiên cao sơn triều Mường Sơn tinh công chúa Lê Mại Đại Vương
- Đức Đệ tam thoải phủ Xích Lân Long Nữ Công Chúa
- Đức Đệ tứ khâm sai quyền cai bốn phủ
- Tứ phủ vạn linh.
Hôm nay là ngày …………………..
Tín chủ con là ……………………..
Ngụ tại:……………………………
Cùng toàn thể gia chung nhất tâm nhất lễ đến trước phủ/đền/điện….. chấp tay kính lễ khấu đầu vọng bái. Kính dâng lễ vật, sớ mỏng tâm thành cúi xin các ngài xét thương gia hộ độ trì cho gia đình chúng con già được mạnh khỏe, trẻ được bình an, được vạn sự bình an, tứ thời được bình an, cầu tài đắc tài, cầu lộc đắc lộc, cầu bình an đắc bình an.
Nam mô a di đà phật! (3 lần)