Giỗ tổ Hùng Vương vào ngày nào dương lịch âm lịch năm 2024..?
Lễ Hội Giỗ Tổ Hùng Vương hay còn gọi là ngày Quốc Giỗ của dân tộc Việt Nam từ xa xưa, hàng năm được tổ chức vào ngày 10 tháng 3 âm lịch. Theo ghi chép Theo Ngọc phả Hùng Vương chép từ thời Hồng Đức Hậu Lê thì thời Nhà Lê, nhà Lý Nhà Trần các Vua và nhân dân địa phương vẫn tổ chức dâng lễ vua Hùng Vương đời thứ 18 vào ngày 11 tháng 3 âm lịch hàng năm. Mãi đến sang thế kỷ 20, năm 1917 triều vua Khải Định đã thay đổi về ngày 10 tháng 3 âm lịch đã được ghi lại trong văn bia đá “Hùng Vương Từ Khảo” đặt tại đền Hùng do Tham Tri Bùi Ngọc Hoàn, Tuần phủ tỉnh Phú Thọ, lập năm Bảo Đại thứ 15 (1940). Bia đá ghi lại như sau: Lễ hội Hùng Vương được ấn định vào ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm do Tuần phủ Phú Thọ là Lê Trung Ngọc có công văn xin bộ Lễ ấn định ngày mồng Mười tháng Ba hằng năm làm ngày Quốc tế, tức trước ngày giỗ tổ Hùng Vương đời thứ 18 một ngày. Còn ngày giỗ (11 tháng Ba) do dân sở tại làm lễ”. Kể từ đây, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm được chính thức hóa bằng văn pháp.
Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2024, rơi vào thứ Năm, ngày 18/4 Dương lịch, đây là ngày làm việc trong tuần nên cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được nghỉ làm việc trọn 1 ngày, hưởng nguyên lương. Trường hợp người lao động đi làm việc ngày nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương thì sẽ được được tính tiền lương làm thêm giờ. Cụ thể, Điều 98 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định, người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm như sau: Trường hợp đi làm vào ngày này, người lao động được trả mức 300% so với lương ngày thường.
Lễ hội đền Hùng có hoạt động gì..?
Lễ và hội
Lễ hội diễn ra vào ngày 10 tháng 3 âm lịch, tuy nhiên, lễ hội thực chất đã diễn ra từ hàng tuần trước đó và kết thúc vào ngày 10 tháng 3 âm lịch với lễ rước kiệu và dâng hương trên đền Thượng.
Có 2 lễ được cử hành cùng thời điểm ngày chính hội tại đền Hùng:
Lễ rước kiệu vua: Đám rước kiệu, nhiều màu sắc của rất nhiều cờ, hoa, lọng, kiệu, trang phục truyền thống xuất phát từ dưới chân núi rồi lần lượt qua các đền để tới đền Thượng, nơi làm lễ dâng hương.
Lễ dâng hương: Người hành hương tới đền Hùng chủ yếu vì nhu cầu của đời sống tâm linh. Mỗi người đều thắp lên vài nén hương khi tới đất Tổ để nhờ làn khói thơm nói hộ những điều tâm niệm của mình với tổ tiên. Theo quan niệm của người Việt, mỗi nắm đất, gốc cây nơi đây đều linh thiêng và những gốc cây, hốc đá cắm đỏ những chân hương..
Phần hội truyền thống điểm nhấn là Tuần Văn hóa – Du lịch đất Tổ sẽ có nhiều hoạt động văn hóa độc đáo, hấp dẫn, thu hút khách du lịch, như: Trình diễn hát Xoan làng cổ tại các phường Xoan gốc An Thái, đình Thét, miếu Lãi Lèn, đình Hùng Lô (thành phố Việt Trì); Giải bóng chuyền các đội mạnh tranh cúp Hùng Vương; Hội chợ thương mại và trưng bày sản phẩm OCOP; Hội thi bơi chải mở rộng tại hồ Công viên Văn Lang, thành phố Việt Trì; Hội thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh giầy tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng. Đặc biệt là Chương trình nghệ thuật và bắn pháo hoa tầm cao tại hồ Công viên Văn Lang, diễn ra vào tối 17/4 (ngày 9/3 âm lịch)…
Kinh nghiệm di chuyển đến Đền Hùng như thế nào..?
- Di chuyển bằng xe tự lái: Có 2 cung đường để bạn lựa chọn nếu đến Đền Hùng bằng xe máy/ô tô tự lái:
- Cung đường 1: Bạn đi theo đường ra sân bay Nội Bài qua cầu Thăng Long. Đến đường Quốc lộ 2 thì đi tiếp đến Cầu Việt Trì. Sau đó qua trung tâm thành phố thì bạn rẽ trái khoảng 10 km nữa là đến Đền Hùng.
- Cung đường 2: Đi dọc theo đường quốc lộ 32 đến Ba Vì. Sau khi đến cầu Trung Hà thì tiếp tục đi đến Cầu Phong Châu, qua cầu và đi thẳng đến đền Hùng.
- Di chuyển bằng tàu hỏa: Bạn có thể bắt các chuyến tàu Hà Nội – Việt Trì để đến Đền Hùng. Từ ga Hà Nội có 2 chuyến tàu có có trạm dừng ở ga Việt Trì là tàu YB3 và tàu SP3.
- Tàu YB3 xuất phát từ Hà Nội lúc 6h10 và đến Việt Trì lúc 8h20.
- Tàu SP3 xuất phát từ Hà Nội lúc 22h và có mặt ở Việt Trì lúc 23h50.
Sau khi xuống ga Việt Trì thì bạn đi bộ ra đường Hùng Vương để bắt xe buýt số 19, tuyến buýt này sẽ đi ngang qua Đền Hùng.
- Cách di chuyển trong Đền Hùng: Bạn có thể đi bộ hoặc xe điện, giá vé xe điện khoảng 10.000 vnd đến 50.000 vnd. Vé vào Bảo Tàng Hùng Vương là 15.000 vnd
Cách Sắm lễ đi Lễ Hội Giỗ Tổ Đền Hùng.
Bánh dày 18 chiếc (dâng lên 18 đời Vua Hùng)
– Bánh chưng 18 chiếc (dâng lên 18 đời Vua Hùng)
– Hương hoa, nước, trầu, cau, rượu và ngũ quả.
– Bánh dày hình tròn, tượng trưng cho Trời, thường không có nhân.
– Bánh chưng hình vuông, tượng trưng cho Đất, bên trong có nhân mặn.
Bên cạnh đó thì lễ vật dâng cúng trong các buổi tế lễ Hùng Vương hầu hết ở các địa phương gần như giống nhau đều bao gồm: Xôi, oản, hoa quả, rượu, hương, gạo muối, bánh chưng bánh dày, gà luộc (bắt buộc phải là gà trống thiến), thịt lợn (bắt buộc là lợn đen).
Văn khấn khi đi Giỗ Tổ Hùng Vương
Nam mô a di đà Phật! (3 lần)
Kính lạy chín phương Trời, mười phương chư Phật, Thánh hiền.
Lạy các Vua Hùng linh thiêng, Gây dựng đất này Tiên tổ.
Con tên là…… địa chỉ……………
Nhân ngày Giỗ tổ con xin gửi đến đấng bề trên chút hương hoa lễ phẩm thể hiện lòng thành của gia đình con đến các Vua Hùng và các bậc tổ tiên.
Kính xin độ trì phù hộ,
Mọi chuyện tốt lành bình an.
Bách bệnh giảm trừ tiêu tan,
Điều lành mang đến vẹn toàn. Điều dữ mang đi, yên ổn.
Đi đến nơi, về đến chốn,
Tai qua nạn khỏi tháng ngày
Cầu được ước thấy, gặp may, mọi điều hanh thông, thuận lợi.
Con cái học hành tấn tới, ngoan ngoãn nghe lời mẹ cha, thi đỗ lớp gần, trường xa, mát mặt gia đình làng nước.
Tình duyên gặp người kiếp trước, ý trung nhân xứng muôn phần.
Tình xa duyên thắm như gần, suốt đời yêu thương nhất mực.
Đi làm… thăng quan tiến chức, buôn bán một vốn bốn lời.
Hạnh phúc thanh thản một đời.
Nam mô a di đà Phật!
Kính lạy cao xanh Trời đất, Lạy các Vua Hùng linh thiêng. Đức Thánh Trần cõi người hiền, Muôn đời độ trì phù hộ!
Nam mô a di đà Phật! (3 lần)